Cách đọc UML Class Diagram
UML Class Diagram là một loại “ngôn ngữ” được dùng phổ biến trong rất nhiều tài liệu viết về thiết kế hướng đối tượng. Đọc tài liệu thiết kế mà không đọc được, hoặc chỉ đọc được một phần có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu. Bạn có thể coi bài viết này như một bài học “a bờ cờ” về ngôn ngữ ký hiệu của UML Class Diagram.
Lớp, đối tượng
Một lớp đối tượng được thể hiện bằng một hình chữ nhật đi kèm với tên lớp. Đôi khi đi kèm cả với thông tin phân biệt <<Class>>, <<Abstract Class>>, <<Interface>>.
Các trường dữ liệu nếu có sẽ được bổ sung vào một phần mở rộng. Thông tin bao gồm tên trường và dấu hiệu thể hiện khả năng truy xuất, chẳng hạn + cho public và – cho private. Đôi khi đi kèm với cả thông tin kiểu dữ liệu.
Cuối cùng là các phương thức. Thông tin bao gồm tên phương thức, tham số, khả năng truy xuất. Đôi khi đi kèm với thông tin kiểu dữ liệu.
Cây kế thừa
Trong UML Class Diagram, mối quan hệ giữa các lớp được thể hiện bằng các mũi tên, và quan hệ kế thừa được thể hiện bằng mũi tên đầu tam giác rỗng nét liền, với đầu mũi tên chỉ về phía lớp cha.
Khi muốn thể hiện tổng quan về mối quan hệ giữa các lớp mà không cần đi vào chi tiết, các thông tin bên trong của lớp có thể được bỏ đi.
Triển khai và phụ thuộc
Các giao diện sẽ có dấu hiệu nhận diện riêng. Chẳng hạn bằng ghi chú <<interface>> tại khu vực ghi tên lớp đối tượng.
Mối quan hệ triển khai giữa một lớp và một giao diện được thể hiện bằng một mũi tên đầu tam giác rỗng nét đứt.
Nếu không phải là triển khai hay kế thừa, những mối quan hệ phụ thuộc khác giữa hai lớp đối tượng sẽ được thể hiện bằng mũi tên mở nét liền.
Trừu tượng và Đa hình
Tên của các lớp trừu tượng, cũng như tên của các phương thức trừu tượng, được in nghiêng.
Các quan hệ giữa hai đối tượng
Khi một đối tượng này tương tác với đối tượng khác, chẳng hạn đọc thuộc tính, gọi phương thức…, quan hệ giữa chúng được gọi là sự liên hợp (association), và được thể hiện bằng mũi tên rỗng nét liền.
Khi một đối tượng này có biết đến đối tượng kia, chẳng hạn qua tham số đầu vào, nhưng không tạo ra tương tác, quan hệ giữa chúng được gọi là sự phụ thuộc (dependency), và được thể hiện bằng mũi tên mở nét đứt.
Khi một đối tượng là một thành phần để cấu thành nên một đối tượng khác, và nó chỉ có thể tồn tại như là một thành phần của đối tượng cha, thì quan hệ giữa chúng được gọi là sự tổ hợp (composition) giữa hai đối tượng, và được thể hiện bằng mũi tên liên hợp đi kèm với một hình quả trám đặc làm gốc.
Khi một đối tượng là một thành phần cấu thành nên một đối tượng khác, nhưng vẫn có thể tồn tại mà không cần đến sự tồn tại của đối tương cha, quan hệ giữa chúng được gọi là tụ tập (aggregation) và được thể hiện bằng một mũi tên mở nét liền với một hình quả trám rỗng làm gốc.
Via CodeGym https://codegym.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét